Các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu

Nghiện rượu, các biểu hiện của bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng rượu quá mức

  1. Đại cương

Ở Việt nam, tình trạng lạm dụng rượu hiện nay rất phổ biến, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Có  nhiều lý do khác nhau như phong tục tập quán, văn hóa dân tộc, vùng miền. Rượu được sử dụng trong nhiều nghi lễ văn hóa, trong ma chay, cưới xin, giỗ, tết… và cũng thường bị lạm dụng ở thời điểm đó.

Ở Việt nam, Phần lớn rượu được sản xuất thủ công, nhà nào cũng có thể nấu được rượu. Chính phủ hiện chưa kiểm soát được việc nấu rượu tràn lan ở khắp mọi nơi một phần do chưa có chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu, mặt khác do còn nhiều rào cản về văn hóa, quan niệm, sự thiếu hiểu biết của người dân về tác hại của lạm dụng rượu đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng (không chỉ về mặt thể chất, tâm thần mà còn gây nhiều thiệt hại về mặt kinh tế và xã hội).

Ở Việt nam, chúng ta chưa có số liệu dịch tễ, tuy  nhiên việc lạm dụng rượu xẩy ra chủ yếu ở nam giới trưởng thành (trên18 tuổi), liên quan tới mọi tầng lớp xã hội, thường ở những người có trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định.

Ở Mỹ, 10% nữ, 20% nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán lạm dụng rượu và 3%-5% nữ, 10% nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu trong cuộc đời. Khoảng 200.000 người tử vong/năm liên quan trực tiếp tới lạm dụng rượu [DSM III R].

Theo số liệu dịch tễ của Pháp (OFDT) công bố năm 2003, ở lứa tuổi từ 12-75 tuổi, có 41,8 triệu người Pháp đã sử dụng rượu trong năm qua; 13,1 triệu người sử dụng rượu thường xuyên; 7,8 triệu người sử dụng rượu hàng ngày.

Sử dụng rượu và các rối loạn liên quan tới rượu cũng liên quan tới 50% tổng số các vụ giết người, 25% tổng số các loại tự sát. Lạm dụng rượu làm giảm tuổi thọ khoảng 10 năm. Rượu đứng đầu trong số các chất gây nghiện liên quan tới tử vong (National Institute on Drug Abuse – NIDA, 1991).

Tính chất đồng bệnh lý giữa rượu và các rối loạn tâm thần khác:

  • Các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan với rượu và các chất gây nghiện khác (chất dạng thuốc phiện, cocain và cần sa) là nhân cách bệnh chống xã hội, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, tự sát.
  • 40% những người lạm dụng hoặc nghiện rượu có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm điển hình vào một thời điểm trong cuộc sống của họ.
  • 25%-50% rối loạn liên quan rượu cũng có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu (thường gặp là rối loạn lo sợ và hoảng sợ).
  • Tỉ lệ tự sát từ 10%-15% các bệnh nhân có rối loạn liên quan tới rượu. Các nhân tố kết hợp với tự sát ở những người có rối loạn liên quan tới rượu kèm theo sự hiện diện của trầm cảm điển hình, thiếu hệ thống trợ giúp xã hội, bị các bệnh cơ thể nặng, không có việc làm, sống độc thân…[DSM IV].
  1. Nguyên nhân nghiện rượu: có 3 nguyên nhân kết hợp
  2. Có chất gây nghiện

Rượu sẵn có và phổ biến ở khắp mọi nơi và được quan niệm như là tăng cường năng lực, hiện nay chính phủ vẫn chưa có chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu, chưa kiểm soát được nguồn cung về rượu.

  1. Môi trường tâm lý và xã hội

Rượu được dùng như để giải quyết các stress, hình ảnh   “ tích cực” của rượu trong xã hội, thông qua bố mẹ lạm dụng rượu, phong tục tập quán, các nhóm dân cư đặc trưng, sinh viên ở ký túc xá…

  1. Đối tượng: Nguyên nhân di truyền và sinh học.

Những trẻ có cha mẹ nghiện rượu có nguy cơ nghiện rượu cao hơn, thậm chí được nuôi dưỡng bởi cha mẹ không nghiện rượu. Những người liên quan thế hệ thứ nhất nghiện rượu có nguy cơ nghiện rượu cao gấp 3-4 lần so với những người không liên quan và sinh đôi cùng trứng nhiều hơn so với sinh đôi khác trứng.

Tiền sử gia đình có người nghiện rượu, nguy cơ nặng hơn, tỉ lệ mắc cao hơn.       

 Các nhân tố có nguy cơ cao: nhân cách bệnh chống xã hội, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu (rối loạn ám ảnh sợ, rối loạn hoảng sợ…), tự sát, trầm cảm tái diễn, thiếu trợ giúp tâm lý –xã hội và sức khỏe, việc làm, sống cô đơn…có nguy cơ cao bị nghiện rượu.

III. Biểu hiện lâm sàng của nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu

  1. Các rối loạn tâm thần trong nhiễm độc rượu cấp

1.1. Say rượu đơn thuần

– Giai đoạn đầu: hưng phấn tâm thần, vui vẻ, nói nhiều. Nồng độ rượu trong máu khoảng 1-2 g/l.

– Giai đoạn tiếp theo: say (mất phối hợp vận động, loạng choạng, lú lẫn, nói nhiều, nói không mạch lạc). Nồng độ rượu trong máu trên 2 g/l.

– Giai đoạn sau: mất cảm giác, ngủ sâu, bán hôn mê. Nồng độ rượu trên 3 g/l.

1.2. Hôn mê do rượu

– Có thể hôn mê nặng với hạ thân nhiệt, suy hô hấp, rối loạn ý thức (cần hồi sức cấp cứu ngay).

– Liều tử vong khi nồng độ rượu trong máu 4-5 g/l.

– Lạnh và đói trước khi uống rượu làm tăng nguy cơ tử vong (cần xét nghiệm lượng đường trong máu).

1.3. Say rượu bệnh lý

– Các nét đặc trưng khác với say rượu đơn thuần, lượng rượu uống vào ít hay rất ít. Thường gặp ở những người có trạng thái phụ thuộc vào rượu rõ rệt. Những người có nhân cách yếu (nhân cách tâm căn, nhân cách bệnh, nhân cách ranh giới).

– Cơn xảy ra đột ngột, bất ngờ với nhiều rối loạn hành vi, và có rối loạn ý thức (thường lú lẫn).

– Hình thái lâm sàng:

   + Cơn say kích động: thường gặp, không có lý do hoặc lý do vu vơ bỗng nhiên trở nên giận dữ, tấn công, gào thét, đập phá. Cơn kéo dài vài giờ và kết thúc bằng bất tỉnh hay giấc ngủ. Thường quên sau cơn và cơn có khuynh hướng tái phát.

   + Cơn say ảo giác: thường là ảo thị, ảo thanh khủng khiếp, gây kích động.

   + Cơn say hoang tưởng: thường là các hoang tưởng ghen tuông, bị hại, tự tố cáo. Trường hợp nặng có thể dẫn tới xung động tấn công hoặc tự sát.

  1. Các rối loạn tâm thần trong nhiễm độc rượu mạn tính

2.1. Hội chứng cai rượu

– Rối loạn thần kinh-cơ: run, chuột rút.

– Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy.

– Rối loạn thần kinh thực vật: vã mồ hội, nhịp tim nhanh.

– Rối loạn tâm thần: lo âu lan tỏa, tăng cảm xúc, tăng tính kích thích, rối loạn trí nhớ thoảng qua.

– Hội chứng cai có thể xuất hiện sau khi ngừng uống rượu một thời gian ngắn, có thể không quá một đêm.

Hội chứng này tồn tại tối đa 24-36 giờ sau khi cai triệt để.

– Lo âu, mất ngủ có thể tồn tại vài ngày.

– Ác mộng có thể kéo dài từ 8-15 ngày.

2.2. Các cơn co giật toàn thể

– Cơn duy nhất hoặc cơn liên tiếp trong vài giờ.

– Xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi cai rượu.

– Có thể là biểu hiện tiền triệu của sảng rượu cấp (20%).

– Không cần sử dụng thuốc kháng động kinh, để đề phòng chuyển sang động kinh liên tục cần cai rượu dứt khoát.

2.3. Ảo giác do rượu

– Thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi cai rượu.

– Hội chứng ảo giác paranoid với đặc điểm: không mất phê phán, không rối loạn ý thức, không rối loạn định hướng. Chủ yếu là ảo thanh lời nó (tố cáo, đe dọa, quấy rối), thường kết hợp với ảo tưởng hoặc có khi với ảo thị.

– Thường có kết hợp với lo âu khoảng một tuần.

– Điều trị bằng thuốc chống loạn thần và giải lo âu.

2.4. Sảng rượu cấp và bán cấp ( do nhiễm độc hoặc hội chứng cai)

2.4.1. Sảng rượu cấp (còn gọi là sảng run)

– Hội chứng mê sảng kích động

   + Rối loạn định hướng không gian, thời gian nặng

   + Hội chứng loạn thần đa dạng, ảo tưởng ảo ảnh kỳ lạ, ảo thị rùng rợn,đe dọa, phối hợp với các hoang tưởng cảm thụ (thường có nội dung bị hại).

   + Hành vi bị chi phối mạnh bởi các ảo tưởng ảo giác nên thường mang tính chất kích động nguy hiểm (tự vệ hay tấn công, hoạc bỏ trốn, nhảy qua cửa sổ).

   + Rối loạn cảm xúc mạnh, lo âu, hoảng hốt.

   + Các biểu hiện trên tăng về chiều tối, thỉnh thoảng có giai đoạn ngắn ý thức trở lại sáng sủa.

   + Sau cơn nhớ rời rạc từng mảng

– Hội chứng thần kinh

   + Run: mạnh, thường xuyên, không đều, run toàn bộ cơ thể.

   + Nói khó, mất phối hợp vận động với các cử chỉ vụng về, bước đi chệnh choạng, hay ngã.

   + Trường hợp nặng hơn: rối loạn nuốt, tăng trương lực cơ.

– Hội chứng toàn thể (biểu hiện trạng thái nặng của cơn)

   + Sốt cao dao động

   + Nhịp tim nhanh

   + Mất nước: lưỡi khô, khát nước, vã mồ hôi, nôn, tiêu chảy.

   + Rối loạn điện giải, cần xét nghiệm điện giải nhiều lần

   + Rối loạn chức năng gan

– Tiến triển

   + Thuận lợi: khỏi trong vòng 2-4 ngày, giấc ngủ trở lại bình thường, yên dịu, tỉnh táo.

   + Tử vong: nếu có hôn mê gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi, tổn thương não (xung huyết lan tỏa, không đặc trưng).

2.4.2. Sảng rượu bán cấp

– Thường gặp hơn là thể cấp vừa mô tả

– Cần cảnh giác vì có thể chuyển thành thể cấp điển hình.

– Cũng có các triệu chứng như mô tả trên nhưng ít trầm trọng hơn và thoái triển dần.

2.5. Các rối loạn tâm thần mạn tính khác

2.5.1. Các hoang tưởng mạn tính do rượu

– Loạn thần ảo giác mạn tính (tin nhiều vào hoang tưởng, ít quan tâm đến ảo giác).

– Hội chứng paranoia.

– Loạn thần suy đoán (chủ yếu hoang tưởng ghen tuông).

2.5.2. Trầm cảm thứ phát

2.5.3. Mất trí do rượu

   Tiến triển từ từ, có thể cải thiện khi cai rượu và điều trị bằng vitamin nhóm B liều cao.

2.5.4. Các bệnh não do rượu

Thường do thiếu dinh dưỡng và thiếu vitamin nhóm B.

2.5.4.1. Bệnh não Gayet-Wernike

– Khá thường gặp do suy dinh dưỡng và thiếu vitamine B1 (thường do rối loạn chuyển hóa và rối loạn tiêu hóa).

– Biểu hiện lâm sàng:

   + Tiến triển từ từ với tăng rối loạn tiêu hóa (chán ăn, nôn), gầy, khuynh hướng ngủ gà, thờ ơ, đôi khi có rối loạn vận động kết hợp.

   + Rối loạn ý thức nặng, thay đổi: chậm chạp, đờ đẫn, kích động, mê mộng (phân biệt với sảng rượu cấp), lú lẫn kèm theo rối loạn trí nhớ, tiến triển tới hội chứng Korsakoff với bịa chuyện.

   + Các rối loạn vận nhãn: rung giật nhãn cầu ngang hoặc dọc, liệt dây 6 hai bên, mất qui tụ dây 3, liệt chức năng. Đôi khi xuất huyết võng mạc.

   + Tăng trương lực cơ đối lập, mất phối hợp vận động, rối loạn thăng bằng (hội chứng tiểu não)

   + Rối loạn thần kinh thực vật: nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, ngất lịm.

   + Các dấu hiệu viêm đa dây thần kinh (khoảng 70% trường hợp).

– Tiến triển:

   + Tiến tới tử vong sau hôn mê.

   + Tiến tới hội chứng Korsakoff di chứng.

   + Điều trị vitamine nhóm B liều cao: tham khảo chương điều trị

2.5.4.2. Hội chứng Korsakov

– Là hội chứng của bệnh não Gayet-Wernicke

– Biểu hiện lâm sàng:

   + Mất nhớ những sự kiện mới.

   + Rối loạn định hướng không gian, thời gian.

   + Bịa chuyện.

   + Nhận nhầm.

   + Viêm dạ dày, viêm dây thần kinh ngoại vi (rối loạn cảm giác, vận động chi dưới).

– Tiến triển: điều trị hầu như không kết quả, không thuyên giảm vì đó là di chứng của bệnh Gayet-Wernike (cần phải điều trị sớm bệnh Gayet-Wernike).

– Điều trị vitamine B1: tham khảo chương điều trị.

2.5.5. Bệnh Marchiafava-Bignami

– Biểu hiện đầu tiên bởi một cơn co giật giống động kinh hoặc một cơn hôn mê nhẹ.

– Biểu hiện tiếp theo sa sút trí tuệ, nói khó, tăng trương lực cơ đối lập.

– Tiến triển chắc chắn tới tử vong: hoặc nhanh chóng với hôn mê, câm, bất động hoặc dần dần, kéo dài với nhiều lần tái phát.

2.5.6. Bệnh não giả Pellagra (thiếu vitamine PP)

– Rối loạn định hướng, rối loạn trí nhớ, ảo giác.

– Tăng trương lực cơ đối lập.

– Co giật.

– Điều trị vitamine PP.

2.5.7. Bệnh myéline trung tâm của cầu não

– Hội chứng giả hành não với liệt mềm tứ chi phối hợp với liệt nuốt lưỡi và phát âm

2.5.8. Teo não

– Lâm sàng không đặc trưng.

2.5.9. Teo tiểu não

– Hội chứng mất thăng bằng tiểu não ưu thế chi dưới.

2.5.10. Bệnh não-gan mạn tính

– Sa sút trí tuệ dần: tâm thần chậm chạp, mất hứng thú.

– Các rối loạn thần kinh: rối loạn phối hợp vận động, múa giật, run, nói khó.

– Tiến triển tới mất trí.

– Các tổn thương giống bệnh Wilson: tăng sản tế bào hình sao và những tổn thương nơ ron thoái hóa ở vỏ não, vỏ tiểu não, các nhân cơ bản và các nhân viền.

  1. Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu theo ICD10.

   Ít nhất có 3/6 tiêu chuẩn sau trở lên, diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng 12 tháng qua.

  1. Thèm muốn mãnh liệt hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng rượu.
  2. Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng rượu về mặt thời gian bắt đầu, kết thúc hoặc mức sử dụng.
  3. Ngừng hoặc giảm đáng kể lượng rượu đang sử dụng sẽ gây ra hội chứng cai.
  4. Có bằng chứng rõ rệt về sự dung nạp rượu (buộc phải tăng liều).
  5. Dần dần xao nhãng các thú vui hoặc những thích thú trước đây.
  6. Tiếp tục sử dụng rượu mặc dù có bằng chứng rõ ràng về tác hại do sử dụng rượu gây ra.
  7. Điều trị.
  8. Điều trị ngộ độc rượu.

– Gây nôn, tăng thải trừ rượu bằng truyền dịch, lợi tiểu

– Vitamine nhóm B liều cao

– Duy trì các chức năng sống bằng máy nếu cần

– Đề phòng chuyển sang hội chứng cai ở những người bệnh nghiện rượu

  1. Điều trị hội chứng cai rượu.

– Bồi phụ nước điện giải

– Vitamine nhóm B liều cao

– Sử dụng benzodiazepine liều cao, giảm dần trong 7 ngày

  1. Điều trị các rối loạn tâm thần do rượu

– Loạn thần: cho thuốc chống loạn thần

– Trầm cảm: cho thuốc chống trầm cảm

  1. Điều trị chống tái nghiện rượu.

– Chống thèm nhớ rượu: Naltrexone

– Thuốc đối kháng: Disulfiram.

– Liệu pháp tâm lý: liệu pháp tâm lý gia đình, nhận thức hành vi, thể chế.

                                             TTƯT, BSCK II Nguyễn Minh Tuấn

Khoa khám bệnh BVĐK TÂM ANH

Nguyên phó viện trưởng VSKTTQG-BVBM HN

Nguyên giảng viên chính BMTT-ĐHYHN

Địa chỉ khám bệnh: Phòng khám chuyên khoa Tâm thần

Giờ mở cửa:

1./ Thầy thuốc ưu tú BSCK II: Nguyễn Minh Tuấn
  • SĐT | Zalo: 0913 512 821
  • Tại phòng khám: Thứ 2 – Chủ nhật từ 14:00 – 17:00
  • Tại BV ĐK Tâm Anh: Thứ 2 – Thứ 7 từ 07:30 – 12:00
2./ Thầy thuốc TS|BS: Nguyễn Thị Phương Mai
  • SĐT | Zalo: 098 2045825
  • Tại phòng khám: Chủ nhật: 09:00 – 11:00
  • Tại Viện sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch mai: Thứ 2 – Thứ 6 từ 07:30 – 16:30

Địa chỉ Phòng khám:

  • Số 3A ngõ 46 (vào ngõ 44 rồi rẽ trái ngay là ngõ 46) phố Hào nam, phường Ô chợ dừa, quận Đống đa, Hà nội .
Bài viết liên quan