Chậm phát triển tâm thần là một trạng thái phát triển của trí tuệ bị ngừng lại hay không đầy đủ biểu hiện bằng trạng thái giảm sút các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và các khả năng thích ứng xã hội hằng ngày.
A./ ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa: Chậm phát triển tâm thần là một trạng thái phát triển của trí tuệ bị ngừng lại hay không đầy đủ biểu hiện bằng trạng thái giảm sút các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và các khả năng thích ứng xã hội hằng ngày.
2. Các nguyên nhân của chậm phát triển tâm thần:
- Nguyên nhân di truyền: hội chứng Down, hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gẫy, phenylcéton – niệu…
- Do biến chứng thời kỳ thai sản: thai nhi thiếu dinh dưỡng, đẻ non, thai nhi bị nhiễm trùng, nhiễm độc hoặc bị chấn thương trước, trong hay sau khi sinh.
- Do các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc hay chấn thương sọ não trong giai đoạn sơ sinh hay trẻ bé.
- Do ảnh hưởng không thuận lợi của môi trường gia đình và xã hội: thiếu kích thích hoạt động trí tuệ, ngôn ngữ, giao tiếp…
3. Các tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Các chức năng hoạt động trí tuệ thấp hơn mức bình thường: Dựa vào chỉ số trí tuệ (CDTT) của các test tâm lý (đã được chuẩn hóa theo đặc điểm văn hóa xã hội của mỗi nước).
- Giảm sút (hay tật chứng) các khả năng thích ứng trong các lĩnh vực giao tiếp, tự chăm sóc bản thân, học tập, công việc, gia đình, bảo đảm an toàn, giải trí…
- Bệnh khởi phát sớm, trước 18 tuổi.
4.Các mức độ chậm phát triển tâm thần theo chỉ số trí tuệ:
- Mức độ nhẹ: CSTT từ 50 – 55 đến 70.
- Mức độ trung bình: CSTT từ 35-40 đến 50-55.
- Mức độ nặng: CSTT từ 20-25 đến 35-40.
- Mức độ trầm trọng: CSTT dưới 20-25.
- CSTT chỉ có giá trị tương đối, khi làm chẩn đoán xác định mức độ phải kết hợp tiêu chuẩn “giảm sút các khả năng thích ứng xã hội”.
B./ CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN MỨC ĐỘ NHẸ
– Chiếm tỉ số lớn nhất, chiếm khoản 85% tổng số các trường hợp chậm phát triển (cá mức độ gộp lại).
– Ở lứa tuổi trước đi học: có thể phát triển các kỹ năng giao tiếp vã xã hội.
– Ở lứa tuổi thanh thiếu niên: có thể học đến lớp 6.
– Ở lứa tuổi trưởng thành: có thể làm nhưng công việc đòi hỏi khả năng thực hành hơn là lý thuyết.
– Tuy nhiên cần được giúp đỡ, hướng dẫn hay giám sát trong các trường hợp như: kết hôn, chăm sóc con cái, các căng thẳng bất thường trong đời sống kinh tế xã hội và văn hóa truyền thống.
– Về điều trị:
+ Chủ yếu là các biện pháp giáo dục huấn luyện nhằm phát triển các kỹ năng và bù trừ các thiếu sót.
+ Nếu được giúp đỡ và hướng dẫn thích hợp những người chậm phát triển tâm thần nhẹ có thể sống hòa hợp được trong cộng đồng hoặc sống độc lập hay sốc có người giám sát.
C./ CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN MỨC ĐỘ TRUNG BÌNH
– Chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp chậm phát triển tâm thần. Đa số có nguyên nhân thực tổn.
– Ở lứa tuổi trẻ em: đa số có thể học được kỹ năng giao tiếp và với sự giám sát phải có thể tự chăm sóc bản thân.
– Ở lứa tuổi thanh thiếu niên: có thể học được một số kỹ năng xã hội và lao động nghề nghiệp nhưng không học được quá lớp 3. Do khó thích ứng với các quy ước xã hội, thường thất bại trong quan hệ bạn bè.
– Ở lứa tuổi trưởng thành: có thể làm được những công việc thực hành đơn giản nếu được hướng dẫn tỉ mỉ và có người giám sát.
– Về điều trị:
+ Cố gắng phát hiện những nguyên nhân thực tổn và điều trị sớm.
+ Những người chậm phát triển tâm thần mức độ vừa thì kém thông hiểu, cần phải có chương trình giáo dục cụ thể và kiên trì mới có thể phát triển các khả năng rất hạn chế của họ và đạt được một số kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Một số lớn thích ưng được với cuộc sống của một cộng đồng có giám sát tốt. Một số ít phải chăm sóc suốt đời.
D./ CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN MỨC ĐỘ NẶNG
– Chiếm khoảng 3-4% tổng số các trường hợp chậm phát triển tâm thần.
– Đa số các nguyên nhân thực tổn. Ngoài ra còn có các bệnh khác kết hợp.
– Ở lứa tuổi trẻ em: không học được hay học được rất ít ngôn ngữ giao tiếp.
– Ở lứa tuổi đi học: có thể học nói và một số kỹ năng đơn giản tự chăm sóc bản than, đọc một số chữ cái và tính cộng rất đơn giản.
– Ở lứa tuổi trưởng thành chỉ có thể làm một số việc giản đơn có giám sát chặt chẽ. Đa số có thể sống trong gia đình có giám sát. Một số do tổn thương thần kinh hay bệnh cơ thể nặng phải được chăm sóc ở cơ sở đặc biệt.
– Về điều trị:
+ Chỉ có thể phát hiện và điều trị những bệnh cơ thể và tâm thần kèm theo.
+ Đạt được rất ít tiến bộ trong giáo dục trí tuệ và kỹ năng.
Đ. CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN MỨC ĐỘ TRẦM TRỌNG
– Chiếm khoảng 1-2% tổng số các trường hợp chậm phát triển tâm thần.
– Hầu hết có nguyên nhân thực tổn, đa số có các bệnh cơ thể hay tâm thần kèm theo.
– Hầu hết vận động bị hạn chế nặng nề chỉ có khả năng giao tiếp rất thô sơ, không lời.
– Không có hay có rất ít khả năng tự chăm sóc bản thân.
– Cần được giúp đỡ và giám sát liên tục suốt đời.
– Chỉ có thể điều trị các bệnh cơ thể kết hợp, không có khả năng cải thiện trí tuệ và kỹ năng.
– Bệnh nhân thường qua đời sớm do biến chứng của các bệnh cơ thể căn nguyên hay kết hợp.
TTƯT, BSCK II Nguyễn Minh Tuấn
Khoa khám bệnh- BVĐK Tâm Anh
Nguyên Giảng viên chính BMTT-ĐHYHN
Nguyên Phó viện trưởng VSKTT-BVBM