RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG (ERECTILE DYSFUNCTION

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, “Sức khỏe tình dục là nền tảng đối với sức khỏe thể chất, tâm thần, hạnh phúc của các cá nhân, cặp vợ chồng, gia đình, cũng như đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng và quốc gia”. Rối loạn cương dương được biết đến là một trong những rối loạn chức năng tình dục phổ biến ở nam giới. Tình trạng này tuy không cần xử trí cấp cứu nhưng có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống của cá nhân, bạn tình cũng như hạnh phúc gia đình họ.

Rối loạn cương dương là gì?

Cương dương là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nam giới, xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Theo Hiệp hội Y học tình dục thế giới, rối loạn cương dương được định nghĩa là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì độ cương cần thiết để thực hiện giao hợp trọn vẹn. Tình trạng này lặp đi lặp lại kéo dài gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh và làm căng thẳng mối quan hệ lứa đôi.

Tỷ lệ rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là một trong những rối loạn chức năng tình dục thường gặp, được báo cáo ở 10-20% tổng số nam giới, là than phiền chính của hơn 50% nam giới được điều trị rối loạn chức năng tình dục. Ở nhóm dân số khỏe mạnh, nguy cơ rối loạn cương dương tăng lên trong suốt cuộc đời trưởng thành, với tỷ lệ phổ biến khoảng 20% ở độ tuổi trước 30 tuổi, 25% ở độ tuổi 30-39 tuổi, 40% ở độ tuổi 40-49 tuổi, 60% ở độ tuổi 50-59, 80% ở độ tuổi 60-69 và 90% ở những người trên 70 tuổi (Allen & Walter, 2019; Geerkens et al., 2020). 20% nam giới lo sợ rối loạn chức năng cương dương trước lần quan hệ đầu tiên của họ.

Các dấu hiệu nhận biết

  • Người bệnh không thể tham gia quan hệ tình dục như mong muốn.
  • Sự rối loạn chức năng này xảy ra thường xuyên, có thể đôi khi không có.
  • Sự rối loạn chức năng tồn tại trong ít nhất sáu tháng.
  • Sự rối loạn chức năng này hoàn toàn không do bất kỳ một rối loạn hành vi hoặc rối loạn tâm thần nào khác, hoặc rối loạn cơ thể (như rối loạn nội tiết), hoặc không do các thuốc điều trị.
  • Sự cương dương đủ để giao hợp không thể thực hiện được khi cố gắng giao hợp.

Biểu hiện dưới một trong những dạng sau đây:

  • (1). Cương cứng hoàn toàn xảy ra trong các giai đoạn sớm của việc làm tình nhưng biến mất hoặc suy giảm khi cố gắng giao hợp (trước khi xuất tinh nếu nó xảy ra).
  • (2). Cương cứng có xảy ra nhưng chỉ những khi không định giao hợp.
  • (3). Cương cứng một phần nhưng không cương cứng hoàn toàn nên không đủ để giao hợp
  • (4). Sự cương dương hoàn toàn không xảy ra.

Chẩn đoán rối loạn cương dương

Khám và chẩn đoán rối loạn cương dương có thể bao gồm nhiều bước khác nhau, như khám sức khỏe thể chất và tiền sử tình dục của bạn.

  • Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi như:
    • Bạn đã trải qua rối loạn cương dương bao lâu? Nó đến đột ngột hay dần dần?
    • Bạn có gặp vấn đề gì về cảm giác ham muốn tình dục, xuất tinh hoặc đạt cực khoái  không?
    • Bạn quan hệ tình dục bao lâu một lần? Tần suất này có thay đổi gần đây không?
    • Độ cương cứng của bạn chắc chắn như thế nào? Điều này có bị ảnh hưởng bởi các tình huống hoặc kiểu kích thích cụ thể không?
    • Bạn thức dậy vào buổi sáng hoặc giữa đêm với tình trạng cương cứng?
    • Mối quan hệ hiện tại của bạn thế nào? Bạn và người ấy có những kỳ vọng gì cho nhau? Có bất kỳ thay đổi nào không?
    • Gần đây bạn có gặp nhiều căng thẳng không?
    • Hiện tại bạn đang dùng thuốc gì? Bạn có sử dụng thuốc lá, rượu hoặc thuốc không kê đơn không?
    • Bạn có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào, đã từng phẫu thuật hoặc chấn thương vùng xương chậu không?
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm bổ sung để giúp chẩn đoán rối loạn cương dương như: Siêu âm kiểm tra các mạch máu của dương vật để xác định xem lưu lượng máu ở dương vật có vấn đề gì không, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu… giúp hướng dẫn điều trị cũng như xác định xem một tình trạng bệnh lý cơ thể tiềm ẩn có thể gây ra rối loạn cương dương.

Nguyên nhân rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương được biết đến là một trong những rối loạn chức năng tình dục phổ biến ở nam giới. Việc xác định nguyên nhân gây rối loạn cương dương sẽ giúp lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả. Rối loạn cương dương có thể do nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý, hoặc kết hợp cả hai, ở nam giới trẻ và trung niên thì nguyên nhân thường do tâm lý.

 Các nguyên nhân thực thể chính gồm: bệnh lý chuyển hóa và tim mạch như đái tháo đường, béo phì, cholesterol máu cao, tăng huyết áp, mức testosteron thấp hoặc mất cân bằng hormon khác, bệnh thận… Đây là những bệnh lý phổ biến ở các nước phát triển, tuy nhiên gần đây đang ngày càng gia tăng ở nước ta.

Yếu tố tâm lý, tâm thần chịu trách nhiệm cho khoảng 10% -20% tổng số trường hợp rối loạn cương dương. Trong nhóm nguyên nhân tâm thần, trầm cảm, lo âu, stress, lạm dụng rượu, thuốc lá… là những nguyên nhân thường gặp nhất, cụ thể:

  • Căng thẳng: có thể liên quan đến công việc, tiền bạc hoặc là kết quả của các vấn đề trong hôn nhân, cùng nhiều yếu tố khác.
  • Lo lắng: Khi một người đàn ông trải qua rối loạn cương dương, họ có thể trở nên lo lắng quá mức rằng vấn đề này sẽ xảy ra lần nữa. Điều này có thể dẫn đến “lo lắng về hiệu suất” hoặc sợ thất bại trong tình dục và liên tục dẫn đến rối loạn cương dương.
  • Cảm giác tội lỗi: Một người đàn ông có thể cảm thấy tội lỗi vì không làm bạn tình hài lòng.
  • Trầm cảm: trầm cảm ảnh hưởng cả về thể chất và tâm lý, là nguyên nhân phổ biến của rối loạn cương dương. Trầm cảm có thể gây rối loạn cương dương ngay cả khi người đàn ông hoàn toàn thoải mái trong các tình huống tình dục. Thuốc điều trị trầm cảm cũng có thể gây rối loạn cương dương.
  • Lòng tự trọng thấp: Điều này có thể do các giai đoạn rối loạn cương dương trước đó (cảm giác không thỏa đáng) hoặc có thể là kết quả của các vấn đề khác không liên quan đến hoạt động tình dục.
  • Sự thờ ơ: Có thể xảy ra do tuổi tác và sau đó là sự mất hứng thú với tình dục, do dùng thuốc hoặc xuất phát từ các vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng.

Tất cả nam giới lúc này hay lúc khác đều sẽ trải qua rối loạn cương dương. Chỉ khi vấn đề trở nên dai dẳng – xảy ra hơn một nửa thời gian – hoặc gây đau khổ cho bạn hoặc bạn tình thì nên cân nhắc tìm kiếm lời khuyên và điều trị y tế. Đối với nam giới bị rối loạn cương dương do vấn đề tâm lý, có thể cần điều trị kết hợp với điều trị y tế.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc nhiễm Covid-19 có thể liên quan đến rối loạn cương dương. Nghiên cứu chỉ ra ba yếu tố có thể dẫn đến khả năng khởi phát rối loạn cương dương ở nam giới đã nhiễm Covid-19:

  • Ảnh hưởng đến mạch máu: Chức năng cương dương là một yếu tố dự báo bệnh lý tim mạch. Covid-19 có thể gây ra tình trạng viêm khắp cơ thể, đặc biệt là ở tim và các cơ xung quanh. Nguồn cung cấp máu đến dương vật có thể bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp do tình trạng mạch máu mới hoặc xấu đi do virus gây ra.
  • Tác động tâm lý: Hoạt động tình dục gắn liền với sức khỏe tâm thần. Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm do nhiễm Covid-19 và đại dịch gây ra có thể liên quan đến rối loạn chức năng tình dục và giảm cảm xúc.
  • Sức khỏe tổng thể suy giảm: Rối loạn cương dương thường là triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn. Nam giới có sức khỏe kém có nguy cơ phát triển rối loạn cương dương cao hơn và cũng có phản ứng nghiêm trọng với Covid-19.

Điều trị và phòng bệnh

  • Người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị thích hợp, bao gồm các trị liệu tâm lý, điều trị hoá dược hoặc các liệu pháp điều trị khác.
  • Các bài tập thể dục: Bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu, tập aerobic, tập thểdục vừa phải với cường độ mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà cũng có thể làm tăng lưu lượng máu giúp điều trị rối loạn cương dương. Ví dụ: chạy và bơi lội. Tập yoga có thể là một cách hiệu quả để giảm bớt các triệu chứng rối loạn cương dương vì căng thẳng hoặc lo lắng có thể gây ra hoặc góp phần làm rối loạn cương dương.
  • Lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh: giúp duy trì sức khỏe mạch máu, có lợi trong việc ngăn ngừa và điều trị rối loạn cương dương do bệnh thường liên quan đến các vấn đề về lưu lượng máu.

Nguyễn Thị Phương Mai

Viện Sức khoẻ Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai

Địa chỉ khám bệnh: Phòng khám chuyên khoa Tâm thần

Giờ mở cửa:

1./ Thầy thuốc ưu tú BSCK II: Nguyễn Minh Tuấn
  • SĐT | Zalo: 0913 512 821
  • Tại phòng khám: Thứ 2 – Chủ nhật từ 14:00 – 17:00
  • Tại BV ĐK Tâm Anh: Thứ 2 – Thứ 7 từ 07:30 – 12:00
2./ Thầy thuốc TS|BS: Nguyễn Thị Phương Mai
  • SĐT | Zalo: 098 2045825
  • Tại phòng khám: Chủ nhật: 09:00 – 11:00
  • Tại Viện sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch mai: Thứ 2 – Thứ 6 từ 07:30 – 16:30

Địa chỉ Phòng khám:

  • Số 3A ngõ 46 (vào ngõ 44 rồi rẽ trái ngay là ngõ 46) phố Hào nam, phường Ô chợ dừa, quận Đống đa, Hà nội .

 

Bài viết liên quan