Lo lắng là phản ứng cảm xúc của con người trước những căng thẳng trong cuộc sống, giúp cá nhân dự đoán trước những tình huống căng thẳng, bất lợi sắp xảy ra để có sự chuẩn bị tốt hơn và sau khi tình huống đó được giải quyết, lo lắng cũng biến mất.
Lo lắng trở nên bất thường khi không có nguyên nhân rõ rệt hoặc quá mức, các triệu chứng thường nặng và gây khó chịu nhiều, kéo dài, căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh, còn gọi là rối loạn lo âu.
PHẦN 1
LO LẮNG VÀ RỐI LOẠN LO ÂU
Lo lắng là phản ứng cảm xúc của con người trước những căng thẳng trong cuộc sống, giúp cá nhân dự đoán trước những tình huống căng thẳng, bất lợi sắp xảy ra để có sự chuẩn bị tốt hơn và sau khi tình huống đó được giải quyết, lo lắng cũng biến mất.
Lo lắng trở nên bất thường khi không có nguyên nhân rõ rệt hoặc quá mức, các triệu chứng thường nặng và gây khó chịu nhiều, kéo dài, căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh, còn gọi là rối loạn lo âu. Đây là một rối loạn về sức khỏe tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự lo lắng lan tỏa, mơ hồ hoặc vô lý, quá mức, không kiểm soát được,… kèm theo các triệu chứng cơ thể như: đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên hay đứng yên một chỗ,…
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
Biểu hiện của rối loạn lo âu rất đa dạng, một số biểu hiện thường gặp như:
- Biểu hiện về cảm xúc, tâm trạng: Lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, hoảng loạn, cảm thấy không chắc chắn hay không an toàn.
Một số biểu hiện về tư duy:
- Xu hướng suy nghĩ về những điều tiêu cực, hình ảnh, kí ức gây sợ hãi, điều gì xấu xảy ra với bản thân hoặc những người khác. Không kiểm soát, dừng lại được những suy nghĩ của mình.
- Tăng cường chú ý đến những điều nguy hiểm có thể xảy ra.
- Luôn đề cập đến các triệu chứng bệnh tật của bản thân.
- Có những lúc đầu trở nên trống rỗng, giảm khả năng tập trung, không có khả năng suy nghĩ đến bất kỳ vấn đề gì.
Một số biểu hiện về đáp ứng hành vi:
- Bồn chồn, kích thích, đứng ngồi không yên.
- Không thể tập trung để làm vấn đề gì, ngay cả những công việc đơn giản đối với bản thân.
- Xu hướng tránh né hoặc thoát khỏi các tình huống, trải nghiệm, cảm giác sợ hãi.
- Cần một người làm an tâm, có cảm giác an toàn.
- Sử dụng chất kích thích để giảm đi các biểu hiện lo âu.
- Có những hành vi nghi thức, như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần.
Một số triệu chứng cơ thể biểu hiện ở các hệ cơ quan khác nhau, làm người bệnh dễ khám nhầm chuyên khoa khác:
- Tim mạch: hồi hộp trống ngực, tim đập nhanh, mạnh, tức ngực, cơn tăng huyết áp.
- Hô hấp: thở nhanh, nông, cảm giác hụt hơi, khó thở.
- Tiêu hóa: khô miệng, đắng miệng, táo bón, tiêu chảy.
- Tiết niệu: tiểu nhiều lần, đái rắt.
- Thần kinh: run chân tay, chóng mặt, buồn nôn, đau căng đầu.
- Lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran tay hoặc chân.
- Cơ bắp căng thẳng.
KHI CÓ DẤU HIỆU trên, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tâm thần để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
PHẦN 2
“Rối loạn lo âu có NGUY HIỂM không?”. Câu trả lời là “Có”.
Rối loạn lo âu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm giảm chất lượng cuộc sống cả về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tâm thần. Cụ thể như sau:
- Ảnh hưởng tới hệ tim mạch: Khi cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng kéo dài sẽ có xu hướng tăng hormone gây stress, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch, tức ngực, khó thở, tăng nguy cơ cơn đột quỵ.
- Khiến những bệnh mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn: làm trầm trọng một số bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, cường giáp hay suy giáp,…
- Thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng thái quá sẽ khiến người bệnh thiếu tự tin vào bản thân, ngại giao tiếp với những người xung quanh, hoặc có thể do những hành vi không chuẩn mực khiến họ bị mọi người xung quanh xa lánh.
- Tình trạng rối loạn lo âu không được giải tỏa có thể làm người bệnh không còn hứng thú với những hoạt động sinh hoạt thường ngày, luôn cảm giác chán nản, mệt mỏi. Lâu dần, có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí có ý nghĩ tự sát.
- Gây các vấn đề xã hội: người bệnh rối loạn lo âu tăng nguy cơ lạm dụng các chất tác động tâm thần, có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh và gây ra những tệ nạn xã hội.
ĐIỀU TRỊ
Có nhiều phương pháp để điều trị cho người bệnh rối loạn lo âu tùy theo mức độ rối loạn, các bệnh kết hợp và sự lựa chọn của người bệnh. Tại Viện Sức khoẻ Tâm thần có thể áp dụng nhiều phương pháp để điều trị rối loạn lo âu như:
Liệu pháp tâm lý:
- Các trị liệu tâm lý: các nhân, gia đình…
- Liệu pháp thư giãn luyện tập
Liệu pháp hoá dược:
- Nhóm thuốc bình thần, giải lo âu
- Các thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống loạn thần không điển hình
LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ
Không thể dự đoán chắc chắn ai đó sẽ mắc rối loạn lo âu, nhưng bạn có thể thực hiện các cách sau để giảm nguy cơ/ giảm ảnh hưởng của các triệu chứng lo âu nếu có:
- Tăng cường hoạt động thể chất. Tham gia vào các hoạt động mà bạn yêu thích, khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân. Tăng tương tác xã hội và các mối quan hệ, điều này có thể làm giảm bớt sự lo lắng cho bạn.
- Tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, gây nghiện khác. Sử dụng rượu và ma túy có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu. Nếu bạn nghiện bất kỳ chất nào trong số này, việc bỏ chất có thể khiến bạn lo âu. Nếu bạn không thể tự bỏ thuốc lá, hãy đến gặp bác sĩ hoặc tìm một chuyên gia để giúp bạn.
- Sử dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng và thư giãn, phòng tránh và giảm tối đa các căng thẳng trong cuộc sống.
- Điều chỉnh giấc ngủ.
- Chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe.
- Nhận trợ giúp sớm,rối loạn lo âu cũng giống như nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng chuyên khoa sớm.
- Nâng cao kiến thức, hiểu biết về tình trạng bệnh của bạn. Khi mắc rối loạn lo âu, cần tuân thủ điều trị của bác sĩ.